KQVN 1964-1968

Gman

 

Bối Cảnh Chính Trị

 

Đây là thời kỳ có bối cảnh chính trị phức tạp. Sau khi đão chính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963, Đại Tá tân thăng Đỗ Khắc Mai đang ở chức vụ Tham Mưu Truởng Không Quân lên thay Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền làm Tư Lệnh Không Quân. Trong vòng vài tháng, Đại Tá Đỗ Khắc Mai sang Đức để làm Tùy Viên Quân Sự cho VNCH tại Bonn. Đại Tá Nguyễn Cao Kỳ thay thế Đại Tá Mai trong chức vụ TLKQ. Thăng cấp Chuẩn Tướng và đồng thời giữ chức Thủ Tướng chính phủ nên rất bận rộn ngoài phủ Thủ Tướng, nhất là khi phải lo việc bầu cử Tổng Thống sau khi Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa ra đời vào năm 1967. Trung Tá Nguyễn Ngọc Loan làm Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Không Quân ngay sau khi đão chính mà không có tham mưu trưởng. Có lúc lại có Đại Tá Phạm Long Sửu giữ chức vự Tham Mưu Trưởng Không Quân, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn. Hai vị vừa nêu trên đã phải góp sức mình với Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và sau đó là Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ trong các ngành như An Ninh Quân Đội, Cảnh Sát Quốc Gia, và Hãng Hàng Không Air Việt Nam. Tuy vậy, tuyệt đối không có sĩ quan nào tham gia chính quyền cấp cơ sở, như quận trưởng, hay tỉnh trưởng, hay trưởng ty cảnh sát các quận ở đô thành như bên Lục Quân.

 

 

Tổ Chức KQVN:

 

KQVN trong thời kỳ này có nhiều thay đổi quan trọng. Thứ nhất là bành trướng từ quân số trên dưới 16,000 người lên khỏang 34,000 người. Các đại đơn vị như Không Đoàn được thành lập. Và sau cùng là tiếp nhận phản lực cơ cho ngành khu trục. Đúng là một bước nhảy vọt quan trọng.

 

Chương trình gia tăng quân số có thể nói là hơn gấp đôi, nhưng hồi đó chỉ có Không Quân tăng cường lực lượng, nên vấn đề tuyển mộ không mấy khó khăn. Các việc huấn luyện chuyển tiếp đều được gửi sang Mỹ nên hoạt động các đơn vị  cũ không bị xáo trộn mà chỉ lo hành quân thường nhật, trừ phải lấy đi một số người ưu tú sang ngành phản lực.

 

Tổ chức lại các đơn vị gặp một ít khó khăn lúc đầu khi thành lập Không Đoàn. Đúng ra việc thành lập không đoàn chỉ là một sự thống nhất chỉ huy từng địa phương các căn cứ mà thôi.  Từ trước, các đơn vị tác chiến biệt lập với CCTLKQ thì nay được đặt dưới quyền chỉ huy duy nhất là Tư Lệnh Không Đoàn.  Ngoài bộ tham mưu nhỏ của không đoàn, TLKĐ chỉ huy trực tiếp ba liên đoàn hay hơn.  Đó là:

-Liên Đoàn Yểm Cứ(là CCTLKQ trước kia)

-Liên Đoàn Tác Chiến(gồm các phi đoàn tác chiến của không đoàn, trừ thành phần kỹ thuật);

-Liên Đoàn Bảo Trì & Tiếp Liệu(là tập họp các phòng vật liệu của từng phi đoàn trước kia).

 

Đây là một tổ chức hoàn toàn mới mẻ, chưa từng thấy trong các Không Quân Pháp hay Mỹ, vì thuộc loại không đoàn hỗn hợp (composite wing).  KQVN có nhiều loại phi cơ khác nhau trong một không đoàn, trừ Không Đoàn 33 chỉ có một loại phi cơ C-47.  Nhưng các không đoàn khác thì có tối thiểu ba ngành: khu trục, trực thăng và quan sát.  Và loại phi cơ thì rất nhiều trong cùng một không đoàn, như Không Đoàn 23 chẳng hạn có A-1H, F-5A, O-1A, H-34. Vấn đề quản lý một đơn vị như vậy thật phức tạp cho những chuyên viên bảo trì và tiếp liệu, vì số lượng phụ tùng và bộ phận rời mà họ phải quản xuyến quá cao.  Mỗi loại máy bay cần khoảng 50,000 món hàng trong danh sách tiếp liệu của họ, mà có tất cả bốn loại máy bay thì cứ thế mà nhân lên.

   Được tập trung lại nhân viên kỹ thuật & tiếp liệu thì ngành tiếp vận dễ chỉ huy trực tiếp từ cấp cao đến hạ tầng cơ sở về chuyên môn, đó là ưu điểm.  Riêng những người chỉ huy các phi đoàn tác chiến là những người trong tương lai sẽ là tư lệnh Không Quân, thì họ không biết gì về ngành kỹ thuật & tiếp vận, mãi cho đến khi lên đến cấp TLKĐ.  Đây là một bất lợi về phương diện giáo dục chỉ huy sau này.

   Thống nhất chỉ huy khó trọn vẹn được.  Như khi biệt phái hành quân phải có một cấp chỉ huy toàn thể biệt đội, đồng thời chỉ huy về tác chiến và một cấp chỉ huy về bảo trì nơi xa đơn vị.  Hy vọng rằng trong cách sắp xếp theo không đoàn hỗn hợp thì tránh phải biệt phái hành quân, vì từng vùng chiến thuật đều có đầy đủ loại máy bay phối trí sẵn mà các quân đoàn thường coi như cơ hữu.  Nhưng riêng Không Quân chúng ta thì lúc nào cũng giữ linh động tính và di động tính, vì có thế mới tạo được nhanh chóng sự bất ngờ tập trung lực lượng nhanh ở một nơi nhất định nào.  Vì các điều vừa nêu trên nên  thấy tổ chức không đoàn hỗn hợp không mấy lợi cho di động tính.  Lẽ tất nhiên là KQVN rất thích, nằm đâu cứ nằm một chỗ, khỏi phải biệt phái hoài như trong thời kỳ trước đây.  Nhưng biệt phái hành quân đánh Bắc là ví dụ cụ thể trong thời gian cuối năm 1964 và năm 1965, các đơn vị khu trục luân phiên ra Đà Nẵng để hành quân ngắn hạn.

   Nói đến thống nhất chỉ huy thì cũng nên nghĩ đến một phạm vi nào đó mà thôi.  Hệ thống chỉ huy đơn vị (command line) không dính dáng gì đến chỉ huy hành quân (operation command) vì điều này nằm trong trách vụ của cơ quan điều kiểm chiến thuật(TACS) gồm Trung Tâm Hành Quân Không Quân (TACC) và các Trung Tâm Hành Quân Không Trợ (ASOC hay DASC) cùng hệ thống kiểm báo(các đài và trung tâm kiểm báo).  Trong KQVN chưa thực hiện thống nhất chỉ huy trong hệ thống này.  Và sau này, cho đến 1975, hệ thống kiểm báo lại nằm trong một tổ chức riêng là Bộ Chỉ Huy Kiểm Báo, giống như các không đoàn tác chiến chỉ chịu hệ thống điều kiểm chiến thuật chỉ huy hành quân mà thôi.

 

Thành Lập Các Không Đoàn:

 

Không Đoàn 62 tại Pleiku đầu tiên được thành lập vào cuối năm 1964, do Trung Tá Trần Văn Minh làm TLKĐ.  Chẳng bao lâu sau, KĐ 62 dời về Nha Trang vì tại Pleiku khó tiếp tế.

 

Không Đoàn 41 tại Đà Nẵng do Trung Tá Phạm Long Sửu làm TLKĐ.

 

Biệt Đội 612 tại Đà Nẳng, sử dụng máy bay oanh tạc nhẹ loại Camberra do Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Biện chỉ huy nhưng phi cơ mượn của Mỹ chứ không nằm trong bản cấp số của KQVN.

 

Không Đoàn 23 tại Biên Hòa, do Trung Tá Võ Xuân Lành, và sau đó là Trung Tá Phạm Phú Quốc.

 

Không Đoàn 33 tại Tân Sơn Nhất.

 

Biệt Đoàn 83 tại TSN, gồm 8 A-1H/G.

 

Không Đoàn 74 tại Bình Thủy, do Trung Tá Huỳnh Bá Tính chỉ huy.

 

.Trông vào tổ chức các không đoàn, ta thấy số đầu là số của CCTLKQ trước kia, và số sau là số của Vùng Chiến Thuật liên hệ.

Các đơn vị tác chiến có tăng nhiều, nhưng quan trọng nhất là KQVN tiếp nhận phản lực cơ F-5A tại Biên Hòa một phi đoàn, và tại các VCT 1, 2, và 4 đều có mỗi nơi một phi đoàn A-37.  Số đơn vị khu trục A-1H/G vẫn giữ nguyên như cũ.

 

Số đơn vị trực thăng cũng tăng nhiều, để mỗi VCT đều có một phi đoàn H-34.

 

Số đơn vị quan sát chỉ tăng thêm Phi Đoàn 116 tại VCT 4, nhưng số lượng máy bay của từng đơn vị tăng tùy theo vùng trách nhiệm của mình, nhất là ở VCT 2 và 4, số phi cơ lên quá 30 chiếc mỗi phi đoàn vì phải biệt phái tận các tiểu khu, mỗi nơi một chiếc thường trực, đúng theo chương trình phối trí theo lãnh thổ của các toán Sĩ Quan Điều Không Tiền Tuyến.(theo Mỹ thì họ phối trí đến cấp tiểu đoàn bộ binh).

 

Trong thời kỳ này, các cấp chỉ huy thay đổi nhiều nên khó nắm vững ai chỉ huy lúc nào.  Như NT Dương Thiệu Hùng có lúc chỉ huy KĐ 41, NT Vũ Văn Ước và cố Chuẩn Tướng Nguyễn Huy Ánh có lúc đã chỉ huy KĐ 62 tại Nha Trang, Trung Tá Lưu Kim Cương trước khi tử trận đã chỉ huy KĐ 33, va Trung Tá Phạm Phú Quốc đã chỉ huy KĐ 23 trước khi chết ngoài Bắc.

 

ĐẶC ĐIỂM CỦA THỜI KỲ NÀY:

 

Cởi mở về mọi mặt.  Vì qua một giai đoạn kỷ luật nghiêm khắc dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nên sau này các phòng trà, ca vũ, hợp đêm mọc lên như nấm, nhảy nhót tưng bừng.  Có khi cũng có tiếng súng vang lên từ các nơi giải trí khi chiến sĩ nổi hứng.  Trong các câu lạc bộ Không Quân cũng trăm hoa đua nở.  Thêm vào đó có quân đội Mỹ tham chiến, và các nước khác, như Đại Hàn mang qua hai sư đoàn bộ binh với các tiểu đoàn pháo binh riêng của họ.  Vì thế nên các nơi giải trí thật náo nhiệt và làm giàu cho giới kinh doanh.

 

Hành quân ra Bắc vĩ tuyến 17 từ cuối năm 1964 đến trọn năm 1965 mở màn cho nhiều cuộc tấn công sau này của Mỹ trên đất Bắc.  Khi đó KQVN chỉ có máy bay A-1H/G.  Cũng trong các cuộc hành quân này, KQVN đã mất đi Phạm Phú Quốc, Nguyễn Hữu Chẩn, Vũ Khắc Huề là nhưng phi công kỳ cựu của ngành khu trục.

 

Tình hình chiến sự miền Nam cũng tăng thêm nhanh chóng.  Bộ Đội chính quy miền Bắc được chuyển vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh một cách công khai.  Hàng rào điện tử Mc Namara không mấy hữu hiệu, chỉ để lại cho chúng ta những bài hát hùng dũng nhưng bi thảm về “Charlie”.  Trận Tết Mậu Thân đặc biệt làm chấn động dư luận Mỹ ngay trong lúc nước Mỹ đang chuẩn bị tranh cử tổng thống.  Ứng cử viên nào cũng tìm các thuyết phục dân chúng Mỹ là họ sẽ có cách rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.  Phong trào phản chiến ở Mỹ càng tăng cao, với sự tiếp tay của báo chí, và các đài truyền thanh truyền hình đưa về Mỹ toàn những tin tức bất lợi cho VNCH.  Cũng trong kỳ Tết Mậu Thân này mà Trung Tá Lưu Kim Cương tử trận ngay trên vòng rào của căn cứ TSN, và Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan phải mất một chân trên vùng ra cầu xa lộ Biên Hòa.

Các đơn vị KQVN thi nhau lập thành tích diệt cộng, đặc biệt nhất là Phi Đoàn 514 liên tiếp lãnh mỗi năm 1964, 1965 và 1966 một anh dũng bội tinh nhành dương liễu, để mang dây biểu chương mà đỏ Bảo Quốc Huân Chương, chỉ sau Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù mà thôi.  Sau đó, Phi Đoàn 514 còn lãnh huy chương đơn vị cao quí nhất của tổng thống Hoa Kỳ là Presidential Unit Citation.

 

Thăng cấp nhanh dường như là cách ban thưởng duy nhất thực tế, vì sẽ được tăng lương.  Thậm chí có người đều thăng cấp mỗi kỳ đề nghị, và trong một năm đề nghị bốn lần.  Đối với những người bị trù dập trong chế độ trước, lúc này được thăng nhanh như diều gặp gió.  Số loại huy chương cũng tăng để giải quyết cho nhân viên không phi hành của KQVN, trước kia vì không trực tiếp chiến đấu nên không thể nào được ban thưởng xứng đáng.  Các huy chương còn được tính điểm để thăng cấp.

 

Lương bổng cũng tăng nhanh theo đà lạm phát phi mã của tiền tệ Việt Nam lúc bấy giờ.

 

Nói chung thì giai đoạn bành trướng KQVN trong thời kỳ này, Mỹ cũng hy vọng rằng chiến tranh sớm kết thúc.  Sau Tết Mậu Thân, Mỹ hoàn toàn thay đổi chính sách, nên chi , bắt đầu cuối năm 1968, Tổng Thống Đắc Cử Richard Nixon đưa ra chương trình Việt Hóa Chiến Tranh, là giai đoạn cuối cùng của KQVN.

 

Gman

 

(còn tiep)